Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép khiến tình hình sản xuất thép trong nước gặp khó khăn do làn sóng cạnh tranh. Liệu doanh nghiệp thép Việt có sớm hồi phục đầu năm nay?
Xuất khẩu thép ở Trung Quốc tăng mạnh
Sau nhịp phục hồi nhẹ từ nửa cuối năm 2023, ngày 6/3/2024 giá thép thế giới đã quay đầu giảm 9,8%, từ 4.019 nhân dân tệ [CNY]/tấn, về 3.627 CNY/tấn [thấp nhất trong 4 tháng trở lại đây].
Một yếu tố nữa do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, giảm phát, nhiều lĩnh vực như sản xuất xe điện, hàng tiêu dùng… đều dư cung, do đó Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu với giá bán thấp hơn so với nội địa. Chính vì điều đó các mặt hàng thép xây dựng [thép cuộn, thép gân] từ Trung Quốc gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó Trung Quốc áp dụng “hạn ngạch” trong các ngành sản xuất, cụ thể nếu doanh nghiệp nào giảm sản lượng, thì năm sau sẽ không được tăng trở lại. Như vậy các nhà máy luyện thép bằng mọi giá phải duy trì sản lượng, từ đó làm hàng tồn kho gia tăng khi không thể tiêu thụ hết trong nước, phải giảm giá và đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho.
Sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc mức trung bình khoảng 60 – 70 triệu tấn/năm. Tuy nhiên năm 2023 nhu cầu thép tiêu thụ nội địa chậm lại, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu ra bên ngoài, đạt tới 91,2 triệu tấn, tăng 35% so với năm 2022.
Giá các loại thép xây dựng như thép gân, thép cuộn giảm khiến biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam hồi phục chậm hơn dự kiến. Làn sóng xuất khẩu thép từ Trung Quốc lan mạnh sang các nước trong khối ASEAN, thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, càng làm tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Hoàng, Giám đốc ngành công nghiệp và vật liệu xây dựng [Công ty Chứng khoán Bảo Việt] đưa ra nhiều kỳ vọng: “Chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất. Có thể đến cuối năm 2024, thị trường địa ốc nước này sẽ ấm lên sẽ cải thiện nhu cầu tiêu thụ thép, giảm áp lực xuất khẩu. Với kịch bản này, cả sản lượng tiêu thụ thép và giá thép trong khu vực Đông Nam Á sẽ được cải thiện. Theo đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tốt hơn so với năm 2023”.